Kinh tế số, Tin tức, Tin tức DeFi, Tin tức NFT

Bản tin ngày 21/12/2021: Các quốc gia đề xuất quy định về tiền kỹ thuật số

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia; Bộ Tài chính Mỹ đề xuất thêm các quy định mới cho stablecoin,…” cùng với những tin tức mới nhất về thị trường DeFi, NFT, Blockchain,… sẽ có trong bản tin Vconomics ngày 21/12/2021. Mời các bạn đón đọc.

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia

Ngày hôm qua 20/12/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ xây dựng, nghiên cứu chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.  Đây là nội dung trong Quyết định số 2006/QĐ-NHNN để triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án này đã được Thủ tướng chính phủ ký ban hành ngày 28/10/2021.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt và xây dựng các văn bản hướng dẫn. Ngân hàng sẽ có những chính sách phù hợp, đẩy mạnh hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với chi phí hợp lý. Thúc đẩy tăng thanh toán kỹ thuật số trong các dịch vụ công, cơ quan nhà nước, phát triển hạ tầng kỹ thuật để có thể thực hiện thanh toán nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất chính sách về tiền tệ kỹ thuật số quốc gia, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Các kế hoạch khác bao gồm: thanh tra, giám sát hoạt động thanh toán; thúc đẩy các hoạt động phối hợp giữa các bên; tuyên truyền, giáo dục người dân về thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước sẽ đôn đốc các đơn vị, cơ quan dưới quyền triển khai nhanh chóng, quyết liệt, đảm bảo đúng tiến độ, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở kịp thời.

2. Bộ Tài chính Mỹ đề xuất thêm các quy định mới cho stablecoin

Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra thêm gợi ý về luật mới cho stablecoin vào thứ Sáu. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nellie Liang đã thúc đẩy việc đưa ra nhiều quy định hơn đối với stablecoin sau khi nhận xét về rủi ro tiềm ẩn lớn khi sử dụng stablecoin của các nhà đầu tư.

Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính về stablecoin, lãnh đạo hàng đầu phụ trách giám sát tài chính tại Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố: “Nếu Quốc hội không ban hành luật, các cơ quan quản lý sẽ cố gắng sử dụng quyền hạn mà họ có để kiểm soát”.

Bộ Tài chính Mỹ đề xuất thêm các quy định mới cho stablecoin.

“Sự tự phát và không ổn định có thể là một rủi ro lớn cho sau này”, Nellie Liang nói về về quyền hạn của các cơ quan quản lý. Bình luận của Liang cho thấy quốc hội và Bộ Tài chính gặp khó khăn khi nói đến quy định cho stablecoin. Trong báo cáo tháng 11 của mình, Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính cho biết họ đã sẵn sàng thực hiện các bước của riêng mình để giải quyết vấn đề stablecoin nếu Quốc hội không thông qua luật.

3. Dubai quyết tâm mở cửa toàn diện với tiền mã hóa để thúc đẩy sự áp dụng hàng loạt

Trong một bản cập nhật gần đây từ quốc gia, chính quyền Dubai đã tuyên bố rằng Trung tâm Thương mại Thế giới Dubai (DWTC), một địa điểm tổ chức sự kiện và triển lãm thuộc sở hữu của chính phủ, sẽ sớm trở thành một khu vực và cơ quan quản lý toàn diện đối với tài sản mã hóa.

“DWTC sẽ hợp tác với khu vực tư nhân và các tổ chức có liên quan ở Dubai để tạo ra một môi trường hấp dẫn cho khu vực này và thực thi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ nhà đầu tư, Chống rửa tiền (AML), Chống Tài trợ cho Khủng bố (CFT) cũng như theo dõi các thỏa thuận xuyên biên giới khác.”

Sáng kiến ​​trên hướng tới việc thúc đẩy việc áp dụng hàng loạt tiền mã hóa bằng cách thiết kế một hệ sinh thái toàn diện cho ngành đang phát triển nhanh chóng. Đồng thời nhằm mục đích làm việc với khu vực tư nhân và các tổ chức lớn cần thiết để giúp crypto có thể truy cập và an toàn hơn cho người dân.

Ngay sau khi tin tức được công bố, đa số cộng đồng nhà đầu tư đều cảm thấy vô cùng hào hứng, bao gồm cả CEO Binance Changpeng Zhao (CZ), người đã bày tỏ sự phấn khích trước sự phát triển mới của Dubai.

4. Hàng nghìn công ty Trung Quốc “đổ xô” vào metaverse bất chấp cuộc đàn áp đang diễn ra

Trong một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11, Gou Wenjun, Giám đốc Trung tâm Phân tích và AML của PBOC, đã một lần nữa cảnh báo về sự nguy hiểm của tài sản mã hóa. Theo Gou, crypto có thể được sử dụng cho các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Thậm chí, các ngân hàng Trung Quốc cũng bắt đầu giáo dục người dân về sự nguy hiểm của tiền mã hóa. Tuy nhiên, phớt lờ những lời cảnh báo của PBOC, rất nhiều công ty Trung Quốc đã vội vàng đăng ký các nhãn hiệu liên quan đến metaverse. Theo South China Morning Post, tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 1.360 công ty Trung Quốc đã nộp 8.534 đơn đăng ký thương hiệu liên quan đến metaverse.

Hàng nghìn công ty Trung Quốc “đổ xô” vào metaverse bất chấp cuộc đàn áp đang diễn ra.

Hầu hết các công ty nộp đơn đều là những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, bao gồm những tên tuổi lớn như Huawei và Hisense. Huawei đã đăng ký với “Meta OS” trong khi Hisense lại tập trung trọng tâm vào các lĩnh vực khác nhau như dịch vụ xã hội, quảng cáo và khoa học. Gã khổng lồ Tencent cũng tham gia vào chiến dịch, đăng ký gần một trăm ứng dụng nhãn hiệu liên quan đến metaverse bao gồm “QQ Metaverse”, “QQ Music Metaverse” và “Kings Metaverse.”

Nếu làn sóng từ những công ty lớn tiếp tục được đẩy lên đỉnh điểm, Trung Quốc sẽ phải thực hiện biện pháp cụ thể hơn để giải quyết vấn đề, hành động mạnh mẽ hơn nhằm dập tắt xu hướng hoặc bắt đầu nới lỏng quan điểm về metaverse nói riêng và thị trường tiền mã hóa nói chung.

5. Cựu Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey nói Bitcoin sẽ thay thế đô la Mỹ

Trong một cuộc trao đổi gần đây trên Twitter với siêu sao rapper Cardi B, cựu Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey đã nói rằng Bitcoin sẽ thay thế đô la Mỹ, một lần nữa cho thấy sự ủng hộ vững chắc của anh đối với đồng coin vua.

Sự tương tác giữa rapper từng đoạt giải Grammy và tỷ phú công nghệ về việc tiền điện tử soán ngôi đồng USD đã gây ra nhiều phản ứng trên Twitter. Bên cạnh đó, người đồng sáng lập Dogecoin là Billy Markus cũng đăng một meme cho rằng Dogecoin ổn định hơn so với USD.

Sau khi từ chức CEO của gã khổng lồ truyền thông xã hội vào cuối tháng 11, Dorsey cũng đổi tên công ty thanh toán di động của mình từ Square thành Block. Hiện anh là một trong những người nổi tiếng ủng hộ Bitcoin.

6. Nguồn cung stablecoin đã tăng 388% trong năm nay

Thị trường stablecoin đã trải qua sự tăng trưởng chóng mặt vào năm 2021, với nguồn cung tiền điện tử được hỗ trợ bằng đồng đô la tăng 388%, theo dữ liệu từ TheBlock cho biết. Cụ thể, trong bản báo cáo The Block Research’s 2022 Digital Asset Outlook, cho biết tổng nguồn cung stablecoin đã tăng từ 29 tỷ USD vào đầu năm 2021 lên hơn 140 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Sự tăng trưởng này đã mang lại lợi ích cho các stablecoin hàng đầu, bao gồm Tether (USDT) và USD Coin (USDC) của công ty thanh toán Circle và sàn Coinbase.

Một trong những yếu tố đã góp phần vào sự gia tăng nguồn cung stablecoin là do sự bùng nổ DeFi. Trong suốt năm 2021, các nhà giao dịch đã sử dụng stablecoin trên các giao thức tài chính phi tập trung như một cách để kiếm thêm lợi nhuận. Ngoài ra, hầu hết các phái sinh tiền điện tử hàng đầu đều xử lý các hợp đồng tương lai bằng stablecoin – CTO của Tether Paolo Ardoino cho biết.

Nguồn cung stablecoin đã tăng 388% trong năm nay.

hìn về tương lai, Giám đốc điều hành Jeremy Allaire của Circle nói rằng năm 2022 sẽ đánh dấu năm mà các công ty chuyển sang sử dụng stablecoin để cải thiện hiệu quả trong thanh toán. Allaire nói rằng rất nhiều các tổ chức đang muốn nắm giữ stablecoin, điều này đang tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về stablecoin trên khắp thế giới.

7. CEO Coinbase bị kiện vì ăn cắp ý tưởng từ dự án khác

Một vụ kiện mới của MouseBelt Labs cáo buộc rằng Giám đốc điều hành của Coinbase, Brian Armstrong, đã đánh cắp ý tưởng từ một nền tảng nghiên cứu có tên Knowledgr. Sàn giao dịch vẫn chưa trả lời về vấn đề này. Cụ thể, đơn kiện nói rằng Armstrong đã đánh cắp ý tưởng trong khi giả vờ đang cố gắng đầu tư vào công ty khởi nghiệp này.

Armstrong được cho là đang xây dựng một nền tảng xuất bản nghiên cứu học thuật, sử dụng các token có thể được giao dịch. Những token này sẽ thưởng cho người dùng vì những nỗ lực của họ trong hệ sinh thái, nền tảng được gọi là ResearchHub. Vụ kiện tuyên bố rằng anh ta đã ăn cắp ý tưởng đó từ một nền tảng có tên Knowledgr, nền tảng này cũng đang theo đuổi một mục tiêu tương tự. Armstrong đã biết đến Knowledgr và đề nghị đầu tư với hứa hẹn bổ sung là sẽ niêm yết token dự án này trên Coinbase. MoustBelt Labs là một nhà đầu tư khác vào nền tảng này.

MouseBelt nói rằng Armstrong thực ra không muốn tài trợ và phát triển Knowledgr, mà chỉ muốn lấy ý tưởng và loại bỏ một đối thủ. Về cơ bản, MouseBelt nói rằng Coinbase đã đánh cắp ý tưởng từ Knowledgr và đưa nó vào nền tảng của riêng mình. Coinbase chưa đưa ra bình luận công khai về vụ kiện. Trong quá khứ, Coinbase cũng vướng vào hai cuộc tranh cãi lớn liên quan đến cáo buộc phân biệt chủng tộc và chính sách nơi làm việc.

8. Hoạt động M&A trong ngành tiền điện tử tăng 131% vào năm 2021

Trong bản báo cáo của The Block Research’s 2022 Digital Asset Outlook, trong năm 2021 các hoạt động giao dịch M&A đã đạt mức cao kỷ lục trong lĩnh vực tiền điện tử với hơn 197 thương vụ mua lại. Mức tăng trưởng trên thể hiện mức tăng gần 130% so với năm ngoái, đạt 85 thương vụ.

Trong 2021 đã ghi nhận rất nhiều thương vụ thâu tóm đến từ các ‘ông lớn’ trong ngành tiền điện tử. Ví dụ đầu năm nay sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất của Mỹ Coinbase đã mua lại công ty tiền điện tử Bison Trails với số tiền không được tiết lộ để mở rộng sang các dịch vụ cơ sở hạ tầng blockchain. Galaxy gần đây cũng cho biết sẽ mua lại nhà cung cấp dịch vụ tài chính BitGo với giá hơn 1 tỷ USD. ‘Gã khổng lồ’ thanh toán Mastercard đã công bố việc mua lại công ty giám sát tiền điện tử CipherTrace. Và mới đây nhất vào ngày 14/12, Robinhood, một công ty dịch vụ tài chính của Mỹ có trụ sở tại California, tuyên bố mua đứt sàn giao dịch tiền điện tử Cove Markets nhằm mở rộng hoạt động sang Crypto.

Hoạt động M&A trong ngành tiền điện tử tăng 131% vào năm 2021.

Bằng cách mua lại các công ty tiền điện tử, các doanh nghiệp phi tiền điện tử đang bắt đầu thực hiện các động thái chiến lược gia nhập thị trường Crypto. 2021 là năm bùng nổ thực sự của ngành công nghiệp mới nổi này.

9. Yearn.Finance tăng vọt sau khi đề xuất Tokenomics mới

Những người nắm giữ Yearn.Finance đã được hưởng sự tăng giá mạnh mẽ trong tuần này, với mã thông báo YFI đã tăng gần 25% chỉ riêng trong ngày hôm qua. Yearn.Finance (YFI) là một DeFi aggregator với TVL hơn 5 tỷ USD đã bay ngược bão vào thời điểm hầu hết các tiền điện tử khác trên thị trường đều giảm giá.

Ngoài mức tăng giá 25% ngày hôm qua, YFI tăng gần 100% so với tuần trước. Giá tăng bất ngờ bắt nguồn từ một đề xuất liên quan đến những thay đổi quan trọng đối với tokenomics của YFI. Đề xuất tập trung vào bốn bước chính để sửa đổi tokenomics của YFI:

Đầu tiên, một phần token YFI sẽ được Yearn’s Treasury mua lại và phân phối dưới dạng phần thưởng cho những holder YFI đang tích cực tham gia vào Quản trị của Yearn. Thứ hai, giới thiệu bốn cách khác nhau mà người nắm giữ YFI có thể được thưởng khi khóa token của họ. Thứ ba, đề xuất cũng cung cấp cho Nhà phát triển quyền triển khai các tính năng mới khi họ thấy phù hợp. Thứ tư, đề xuất đưa ra một hạn chế đối với Quản trị Yearn: chỉ YFI được stake trong xYFI (bắt đầu từ Giai đoạn 1) hoặc bị khóa (theo Giai đoạn 2 trở đi) mới đủ điều kiện để sử dụng bỏ phiếu.

10. BitGo hỗ trợ Avalanche (AVAX) khi sự quan tâm của các tổ chức tăng lên

Công ty lưu ký tiền điện tử BitGo đã tiết lộ rằng họ sẽ hỗ trợ AVAX, vì sự quan tâm của tổ chức đối với dự án này không ngừng tăng. Động thái này sẽ cho phép các khách hàng BitGo bao gồm sàn giao dịch Bitstamp và Bitbuy cung cấp AVAX cho người dùng của họ. Hành động này diễn ra sau khi các nhà phân tích của Bank of America nói rằng Avalanche có thể là một giải pháp thay thế khả thi cho Ethereum khi nói đến tài chính phi tập trung, NFT và gaming.

BitGo được cho là nắm giữ hơn 64 tỷ USD tiền điện tử và là một nền tảng đáng tin cậy sẽ cho phép hệ sinh thái của Avalanche dễ tiếp cận hơn.

Đối với John Wu, chủ tịch Ava Labs, BitGo là một công ty rất mạnh để hợp tác vì nó cũng cung cấp hỗ trợ về luật pháp. Deloitte gần đây đã thông báo họ sẽ sử dụng Avalanche cho nền tảng cứu trợ thảm họa Close As You Go, trong khi Mastercard đã khai thác Ava Labs cho chương trình tăng tốc tiền điện tử vào đầu tháng 12.

Tổng hợp bởi Vconomics

Tải Vconomics ngay để nhận MICS miễn phí !

Gia nhập ngay cộng đồng Vconomics để nhận thêm MICS miễn phí

TelegramFacebookYoutubeRedditMediumTwitter

Website: https://vconomics.io

Email: [email protected]

VCONOMICS – NỀN KINH TẾ SỐ PHI TẬP TRUNG

Previous ArticleNext Article

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *